Vị thần bất tử Không Lộ Lý quốc sư


Bách Việt trùng cửu – nguồn http://asakicorp.com/bachviet18/?p=3012

Không Lộ thiền sư là một trong các vị thần bất tử của tín ngưỡng dân gian người Việt. Tuy nhiên các ghi chép và di tích còn lại về vị này lại thường lẫn lộn trong nguồn gốc và tiểu sử của thánh, ítt nhất có 2 xuất xứ được nói tới. Một là Dương Không Lộ ở Hải Thanh – Thái Bình. Hai là Nguyễn Minh Không ở Đàm Xá – Ninh Bình. Dương Không Lộ sinh vào thời Lý Thái Tổ, còn Nguyễn Minh Không sinh vào thời Lý Thánh Tông. Thêm vào đó, sự tích và công trạng của những vị này theo các ghi chép rất giống nhau và phạm vi di tích tín ngưỡng thờ 2 người này cùng tập trung ở khu vực Thái Bình và Nam Định. Do đó về xuất xứ của Không Lộ Lý triều quốc sư hiện vẫn còn đang rất nhiều tranh cãi. Trong quá khứ thậm chí đã từng có một vụ các cụ đồ địa phương ở Thái Bình tranh kiện nhau xem đức thánh Không Lộ là họ Nguyễn hay họ Dương. Cho đến nay trong giới học thuật những thảo luận về xuất xứ của Không Lộ thiền sư cũng vẫn còn chưa ngã ngũ.

Gác chuông đền thờ thánh Nguyễn ở Đàm Xá (Gia Viễn, Ninh Bình).

Bài viết này nêu một góc nhìn mới cho phép lý giải được sự tích khác nhau của Không Lộ thiền sư thông qua phân tích tín ngưỡng dân gian, mà trước hết là từ quan niệm về thần bất tử. Các vị thánh bất tử trong tín ngưỡng của người Việt đã được xác định là những vị tu tiên đắc đạo, có phép cải tử hoàn sinh, trường sinh bất lão hoặc giáng sinh chuyển thể. Không Lộ thiền sư là vị thần bất tử hàng thứ tư trong quan niệm này.
Đứng đầu Tứ bất tử là Tản Viên Sơn Thánh với cây gậy thần đầu sinh đầu tử và cuốn sách ước diệu kỳ. Tản Viên được gọi là Thần Sư, đi khắp nơi lên rừng xuống biển, cứu giúp nhân dân. Điểm đáng chú ý trong sự tích về Tản Viên là Sơn Thánh đã khuyên vua Hùng nhường ngôi cho Thục Phán và cùng đi ngao du, tức là đi tu tiên. Tản Viên Sơn Thánh còn là vị thần đứng đầu trong các linh thần Việt.
Thần bất tử thứ hai là Chử Đồng Tử cùng công chúa Tiên Dung và Tây Sa. Với cây gậy và chiếc nón thần gia đình nhà Chử là những bậc thánh tiên cứu chữa bệnh cho nhân dân và một đêm đã bay về trời trên đầm Dạ Trạch. Chử Đồng Tử được tôn gọi là Chử Đạo Tổ, tức là một trong những vị tổ Đạo của người Việt.
Thần bất tử thứ ba là Đổng Thiên vương Huyền Thiên đại thánh, người đã có công giúp An Dương Vương trừ yêu diệt quỷ khi xây thành Cổ Loa. Huyền Thiên Đổng Thiên Vương đã được xác định là Thái Thượng Lão Quân hay Lão Tử, vị giáo chủ khai mở Đạo Giáo. Lão Tử vừa là người khởi đầu cho một tín ngưỡng tâm linh, vừa là một thầy thuốc chữa bệnh dịch cho dân ở miền Bắc Việt (thần tích gọi là diệt giặc Xích Tỵ).
Một trong những vị thần bất tử ở hàng thứ tư là Liễu Hạnh công chúa. Thánh mẫu Liễu Hạnh với ba lần tái thế đã trở thành vị giáo chủ của Đạo Mẫu và Tứ phủ. Điểm đặc biệt của sự tích Liễu Hạnh là bà có vẻ như không có công nghiệp gì lớn lao trong việc cứu dân độ thế, nhưng lại được tôn làm giáo chủ của Đạo Mẫu. Công nghiệp chính của Mẫu Liễu là ở việc đã đề xướng Đạo Mẫu, đưa vai trò của các nữ thần lên bậc thần quyền chính thức trong Tứ phủ.
Điểm qua 4 vị thần bất tử Thần Sư, Đạo Tổ, Lão Quân và Thánh Mẫu trên ta nhận thấy họ đều là các vị “giáo chủ”, mở đầu cho những đạo phái trong tín ngưỡng của người Việt. Đây cũng chính là ý nghĩa cơ bản của tín ngưỡng thờ thần bất tử, là thờ những vị tổ khai lập môn phái, mở đường cho đạo.
2 vị Không Lộ thiền sư và Từ Đạo Hạnh cũng được xếp ở hàng thứ tư trong các vị thần bất tử. Vận dụng nhận định mới phát hiện trên về ý nghĩa của thần bất tử có thể thấy Không Lộ và Từ Đạo Hạnh cũng phải là những vị sư tổ, có công gây dựng tông phái và được thờ như các giáo chủ của giáo phái.
Giáo phái của Không Lộ thiền sư có thể được gọi là phái Không Lộ. Đồng thời Không Lộ cũng là danh xưng của Giáo chủ giáo phái này. Với cách hiểu như thế thì sẽ thấy rõ, không phải chỉ có 1 vị Không Lộ thiền sư bởi vì chức Giáo chủ của giáo phái có thể là những người khác nhau đảm nhận qua các thời.

Đền Lại Trì ở Vũ Tây, Kiến Xương, Thái Bình.

Nhận định này giúp giải quyết được khúc mắc về việc có tới 2 ngài Không Lộ như ở phần đầu bài đã nêu. Có thể sắp xếp như sau, Dương Không Lộ quê Thái Bình là vị tổ thứ nhất của giáo phái Không Lộ, xuất hiện vào quãng thời Lý Thái Tổ – Thánh Tông. Kế tục ông là Nguyễn Chí Thành, người quê Ninh Bình, làm giáo chủ Không Lộ phái vào thời Lý Nhân Tông – Thần Tông.
Câu đối ở đền Lại Trì (Vũ Tây, Kiến Xương, Thái Bình) nơi thờ Dương Không Lộ:
蹟顯李朝三出世
名尊真定四靈祠
Tích hiển Lý triều tam xuất thế
Danh tôn Chân Định tứ linh từ.
Dịch:
Dấu tỏ Lý triều ba thế xuất
Tên nêu Chân Định bốn đền linh .
“Tam xuất thế” ở đây có thể chỉ Không Lộ, Giác Hải và Từ Đạo Hạnh, nhưng cũng có thể là chỉ 3 lần xuất hiện của Không Lộ thiền sư. Cũng vì chức danh giáo chủ Không Lộ là gồm các đời nối tiếp nhau, tức là khả năng tái xuất thế nhiều lần, nên Không Lộ được xếp vào hàng thần bất tử.
Một đạo phái được xác lập khi nó có đủ 3 yếu tố, gọi là Tam bảo. Trước hết là có giáo chủ là Không Lộ thiền sư như nêu trên. Thứ hai là có giáo lý thể hiện qua những tiêu chí và hành động của giáo phái. Thứ ba là có các tăng lữ hay đạo sĩ theo đạo này.
Giáo lý của phái Không Lộ vừa theo giáo lý nhà Phật lại vừa kết hợp với Đạo Giáo ở nước ta. Điều này thể hiện qua các tài phép “lục trí thần thông” của Không Lộ thiền sư như đi trên không, nổi trên nước… Các chùa nơi Không Lộ từng tu hành đều có tên Thần Quang tự, phần nào cũng nói tới sự thần bí (tính chất của Đạo Giáo) của vị thiền sư này. Lý triều quốc sư Không Lộ như vậy không chỉ là một Phật tử mà còn là một Pháp sư cao tay. Bia chùa Keo Hành Thiện ở Nam Định ghi rõ ông là một Đại pháp sư.

Hoành phi “Đại Pháp Sư” ở chùa Keo Hành Thiện (Xuân Trường, Nam Định).

Câu đối khác ở đền Lại Trì nêu công nghiệp của Không Lộ thiền sư:
法手濟群生徳是聖神心是佛
仙丹扶九鼎國留事業史留名
Pháp thủ tế quần sinh, đức thị thánh thần tâm thị phật
Tiên đan phù cửu đỉnh, quốc lưu sự nghiệp sử lưu danh.
Dịch:
Tài phép cứu chúng sinh, đức chính thánh thân tâm chính phật
Thuốc tiên giúp thánh thượng, nước lưu sự nghiệp sử lưu tên.
Đặc biệt, đạo Không Lộ có mức độ nhập thế rất cao so với các thiền phái của nhà Phật thể hiện trong việc Không Lộ chữa bệnh cho vua Lý và thực hành nghề đúc đồng. Nhận định Không Lộ là tên giáo chủ hay giáo phái giúp giải quyết khúc mắc về sự kiện Không Lộ thiền sư đã đúc An Nam tứ đại khí vì 4 đồng khí lớn được đúc vào các thời kỳ khác nhau. Đỉnh tháp Báo Thiên chắc chắn đã được làm dưới thời Lý Thánh Tông vì đã phát hiện những viên gạch Lý gia đệ tam đế Long Thụy Thái Bình tứ niên tạo ở chân tháp, là niên hiệu của vị vua Lý thứ ba này. Tượng Phật Di Lặc chùa Quỳnh Lâm, chuông Quy Điền hoặc chuông Phả Lại, vạc Phổ Minh lại là ở những nơi khác vào thời gian khác. Nếu Không Lộ chỉ là 1 người thì không thể có chuyện lại tham gia đúc nên cả 4 đồng khí này.
Vì Không Lộ là tên giáo phái nên ở đây có thể hiểu là những đại đồng khí trên đã do giáo phái Không Lộ đảm nhận việc đúc nên ở các thời kỳ khác nhau. Như thế thì giáo chủ của giáo phái ở các thời gian đó cũng khác nhau, không phải chỉ là 1 người. Câu chuyện Không Lộ thiền sư đi sang Trung Quốc chở đồng đen về đúc chuông có lẽ muốn nói giáo phái này đã học được nghề đúc đồng tới mức thu hút hết tinh hoa của nghề này về nước ta. Không Lộ thiền sư được các làng nghề đúc đồng trên cả nước tôn làm vị tổ nghề.

Một số tháp Phật và gạch hoa thời Lý mới phát lộ ở Nam Định.

Câu đối đền Lại Trì về tứ đại khí nước Nam:
四噐容成南越地
一囊括尽北京銅
Tứ khí dung thành Nam Việt địa
Nhất nang quát tận Bắc Kinh đồng.
Dịch:
Bốn đồ chứa nên đất Nam Việt
Một túi gói hết đồng Bắc Kinh.

Gian thờ Dương Không Lộ ở đền Lại Trì.

Về giáo lý, có thể Không Lộ nghĩa đúng không phải là tài bay trên không của các vị thiền sư như vẫn nghĩ. Không Lộ là con đường của đạo Không. Thiền uyển tập anh còn lưu một bài thơ của Không Lộ thiền sư như một tâm yếu chú, như sau:
Đoán luyện thân tâm thủy đắc thanh
Sâm sâm trực cán đối hư đình
Hữu nhân lai vấn không không pháp
Thân tọa bình biên ảnh tập hình.
Dịch:
Rèn luyện thân tâm tựa nước thanh
Sân thênh cổ thụ tỏa sum cành
Có người xin hỏi nguồn Không pháp
Lưng dựa bình phong, bóng tựa hình.
Bài thơ có nhiều dị bản, nhưng câu “Hữu nhân lai vấn không không pháp” cho thấy rõ “phép” của Không Lộ thiền sư là “Không pháp”. Nó cũng là lời giải thích cho danh xưng Không Lộ của giáo chủ giáo phái này.
Giáo phái Không Lộ từng phổ biến chính ở vùng Nam Định – Thái Bình, với trung tâm là 2 ngôi chùa Keo ở 2 bên Hồng. Chữ Keo có thể nghĩa là Cả, là thủ lĩnh hay giáo chủ. Chùa Keo nghĩa là chùa Cả, trung tâm của giáo hội.

Gian ngoài chùa Keo Thái Bình.

Về tăng lữ của phái Không Lộ, có thể thấy các chùa thờ Không Lộ và Từ Đạo Hạnh thường ban đầu không có sư trụ trì như chùa Keo Hành Thiện, Keo Thái Bình hay chùa Đại Bi. Điều này nay có thể hiểu vì giáo phái của Không Lộ khác với Phật giáo chính dòng.
Điểm đặc biệt là ở các chùa thờ Không Lộ và Từ Đạo Hạnh tới nay còn lưu được nghi lễ hầu thánh bằng múa rối đầu gỗ, là các thánh tượng, đại diện cho giới tăng lữ của giáo phái này. Câu chuyện về các thánh tượng này có liên quan đến truyền tích Pháp sư diệt thần Xương Cuồng trong Lĩnh Nam chích quái. Vị pháp sư và các đệ tử của mình đã diệt được thần Xương Cuồng chính là Không Lộ thiền sư.

Các thánh tượng đầu gỗ ở chùa Keo Thái Bình.

Với đầy đủ tam bảo: giáo chủ, giáo lý và tăng lữ, rõ ràng phái Không Lộ có thể được coi là một Đạo, phổ biến và có vai trò lớn dưới thời Lý. Vua Lý cũng là đệ tử của giáo phái này (Lý Thần Tông là hóa thân của Từ Đạo Hạnh) và giáo chủ Không Lộ được tôn làm Lý triều quốc sư. Đây mới là tôn giáo chính của nước ta dưới thời nhà Lý.